Sau khi chia tách, thành lập tỉnh, cấp ủy, chính quyền Lai Châu luôn trăn trở lời Bác dạy trong thư gửi cho đồng bào và cán bộ Lai Châu là “Ra sức tăng gia sản xuất để mọi người được ấm no”. Thực hiện lời Bác dạy, tỉnh Lai Châu đã đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa; đồng thời, đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng con người Lai Châu có kiến thức khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp.
Với mong muốn đời sống của người dân được nâng cao, cấp ủy, chính quyền Lai Châu xác định sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa giải quyết nhu cầu cuộc sống trước mắt, vừa tạo tiền đề vững chắc cho chuyển dịch cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp.
Trên cơ sở đó, để đẩy mạnh phát triển sản xuất, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thực hiện lời dạy của Bác “Thi đua là yêu nước, yêu nước là thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Phong trào thi đua đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu thực hiện sâu rộng, trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế để góp phần xây dựng tỉnh Lai Châu mới giàu đẹp. Sản lượng lương thực tăng nhanh, năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt ước đạt 51.017 ha, sản lượng đạt 225 nghìn tấn (tăng hơn 120 nghìn tấn so với năm 2004).
(Video 1 - bài 3) Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xổ số trực tuyến minh ngọc
nói về kết quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện
Tỉnh đã ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân tích cực tăng gia sản xuất. Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, ngày 22/2/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Với sự nỗ lực thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các doanh nghiệp, hợp tác xã, sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện, đa số các chỉ tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU đề ra đều đạt trên 50%, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt cao, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa như Tân Uyên, Than Uyên, Tam Đường…
Sản xuất lúa hàng hóa tập trung đạt 112,5%. Các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung tiếp tục được hình thành và mở rộng; cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hơn 1.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế; nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế, giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất với một số mô hình hiệu quả; chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, gia trại phát triển mạnh.
(Video 2 - bài 3) Người dân nói về cuộc sống cải thiện khi tham gia làm công nhân cao su.
Diện tích cây công nghiệp (cao su, chè) được đầu tư mở rộng, từng bước hình thành vùng liên kết nguyên liệu. Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12.940 ha cao su, đã đưa vào khai thác trên 9.540 ha, năng suất bình quân đạt khoảng 1 tấn mủ khô/ha/năm. Sản lượng năm 2023 đạt 10.100 tấn, tăng trên 2.600 tấn so với năm 2020, góp phần nâng cao đời sống của người dân trồng và chăm sóc cây cao su.
Chè là một trong những cây kinh tế chủ lực của tỉnh Lai Châu. Các địa phương, doanh nghiệp, người dân đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Hiện nay, 100% cơ sở chế biến chè đã ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sao, vò; tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản, cải tiến mẫu mã sản phẩm, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, chất lượng và giá trị sản phẩm chè của Lai Châu được cải thiện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 21 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
(Video 3 - bài 3) Người dân nói về việc trồng cây ăn quả ôn đới.
Cây ăn quả tập trung được các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng phát triển. Tính đến hết năm 2023, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt trên 8.896 ha với các loại cây trồng chủ yếu là chuối, xoài, chanh leo, cây có múi, cây ăn quả ôn đới. Hầu hết, diện tích cây ăn quả tập trung được phát triển theo hướng liên kết từ khâu trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm với 33 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia. Một số diện tích cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao như chanh leo cho thu nhập 240 triệu đồng/chu kỳ kinh doanh.
Vận dụng sáng tạo, linh hoạt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” và thực hiện di chúc của Người “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”, tỉnh Lai Châu lãnh, chỉ đạo xây dựng con người Lai Châu có kiến thức khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp… Vì vậy, song song với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Lai Châu quan tâm chỉ đạo phát triển toàn diện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một trong bốn chương trình trọng điểm, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 59/2021/NQHĐND ngày 10/12/2021 quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 5 bản du lịch cộng đồng có điều kiện, lợi thế tiêu biểu ở huyện Phong Thổ, Tam Đường, thành phố Lai Châu…
(Video 4 - bài 3) Dù lượn chinh phục Đỉnh Pu Ta Leng.
Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển sâu rộng với nội dung, hình thức hoạt động khá phong phú, đa dạng. Việc xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm văn hoá các dân tộc được chú trọng thực hiện. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều điểm du lịch tiêu biểu gắn du lịch với trải nghiệm văn hoá như: Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Mông tại bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp; bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Dao tại bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn chinh phục đỉnh Pu Ta Leng); bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Giáy tại bản San Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu theo hướng du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng; bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Thái bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa; bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Lự bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường gắn với bản sắc văn hóa độc đáo…
Hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở từng bước được củng cố, đầu tư xây dựng: Năm 2004 toàn tỉnh có 144 thiết chế văn hóa. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 984 thiết chế văn hoá (tăng 840 thiết chế so với năm 2004), cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa ở cơ sở của Nhân dân. Toàn tỉnh có 975 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh phát triển đúng định hướng của Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các quy định của Đảng về nêu gương. Chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hoá trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hoá, thể thao khu vực và toàn quốc. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được quan tâm chỉ đạo thực hiện, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch.
(Video 5 - bài 3) Lễ hội đua thuyền huyện Nậm Nhùn.
Toàn tỉnh tiến hành khôi phục 17 lễ hội, hỗ trợ duy trì sau khôi phục nhiều lễ hội. Chú trọng đưa hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vào trong trường học. Đến nay, 100% trường phổ thông duy trì, phát triển các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao trường học; 45/45 trường phổ thông thành lập câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong trường học và hoạt động hiệu quả theo Kết luận số 224-KL/TU ngày 18/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh”.
Có được kết quả trên là do tỉnh Lai Châu đã tích cực theo các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Với sự cố gắng, nỗ lực, chủ động, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã luôn thực hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm của các kỳ Đại hội. Đây chính là “Ánh sáng soi đường cho sự phát triển” để có được những kết quả đáng trân trọng và tự hào như ngày hôm nay. Chúng ta cùng điểm lại các kỳ Đại hội của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu từ khi chia tách, thành lập tỉnh đến nay.
Còn tiếp bài 4: Lai Châu - Hội nhập và phát triển